Hãy lên tiếng! Đừng im lặng trước tội ác

Trước hàng loạt các vụ xâm hại và lạm dụng trẻ em xảy ra gần đây khiến dư luận phẫn nộ, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con nhỏ trong độ tuổi phát triển, độ tuổi cần được nhiều sự quan tâm nhất. Gia đình & Trẻ em đã phỏng vấn TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội về cách phòng vệ và dạy con có khả năng tự bảo vệ bản thân trước những tình huống có khả năng bị lạm dụng và xâm hại.

Làm sao để những hậu quả được giảm nhẹ

Là một nhà tâm lý học, một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về giới tính, tình dục, xin bà cho biết cha mẹ và mọi người xung quanh nên có những giải pháp tích cực kịp thời như thế nào khi trẻ em bị lạm dụng và xâm hại?

Bị xâm hại và lạm dụng trẻ sẽ chịu rất nhiều những ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần trong tương lai. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi lại nhận thức và suy nghĩ của mình, vượt qua được chính mình để lên tiếng và hành động. Cha mẹ và người thân cần phải lên tiếng tố cáo ngay để giải quyết được vụ việc. Cần phải thu thập bằng chứng ngay lập tức, kể cả những can thiệp y tế để đề phòng nếu cháu bé lỡ bị mang thai, hay bị viêm nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì nếu để lâu không tố cáo thì sẽ rất khó, nên cần phải tìm sự trợ giúp ngay. Trẻ em cần nói cho người lớn biết ngay để có những hành động kịp thời, bằng cách báo cho cơ quan luật pháp như: cơ quan công an, để được hướng dẫn cách thu thập bằng chứng như thế nào, đến cơ sở y tế để những bằng chứng thu thập được có giá trị pháp lý. Bên cạnh đó, không thể thiếu những can thiệp về y tế, những hỗ trợ về mặt tâm lý để cháu bé bớt hoảng sợ, không gặp những sự cố về sau, để những hậu quả có thể giảm nhẹ bớt.

Xem thêm tin mới về  Code all star là gì? Mã nhập code mới nhất hôm nay

Trang bị cho con kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình

Các phụ huynh phải chuẩn bị trước cho con, đề phòng trước vẫn hơn là đối phó, bởi những kẻ xâm hại có thể là những người quen, người thân. Phòng bằng cách trang bị cho con kiến thức và kỹ năng để tránh nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng ngay từ khi còn rất nhỏ, càng sớm càng tốt. Khi hàng ngày chăm sóc con, cha mẹ dạy cho con những bộ phận nào trên cơ thể không ai được phép động vào, khi có người nào muốn đụng chạm vào những chỗ đó thì con phải làm gì? Con phải nói không, hoặc tránh ra, hoặc tìm gặp người lớn ở gần đấy để tìm sự giúp đỡ… Đó là những kỹ năng cần thiết, gần như là kỹ năng để sống sót mà cha mẹ cần trang bị cho con sớm. 

Câu chuyện đau lòng không thể quên

Là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã nhiều năm, câu chuyện thương tâm nào khiến chị day dứt mãi không quên?

Chúng tôi gặp vài vụ cảm thấy rất xót xa. Trong một lần đi nghiên cứu ở TP.HCM về tình trạng nạo thai ở trẻ vị thành niên, tôi gặp một cô bé khoảng 18 – 19 tuổi đi nạo thai. Cô bé thổ lộ bị cha dượng xâm hại rất nhiều lần từ khi còn nhỏ, mãi không dám nói với mẹ. Đến khi nói với mẹ thì mẹ gạt đi, và phủ nhận việc ấy. Cô bé rất đau khổ và phải nạo thai nhiều lần. Sau đó cô bé muốn đến gặp tôi để nói chuyện riêng. Tôi bận việc và nhắn gặp em sau. Nhưng khi tôi về tới khách sạn thì nhận được lá thư của cô bé tâm sự rất buồn rằng không muốn sống nữa. Tôi rất hối hận, và đã tìm mọi cách để tìm lại cô bé nhưng không thể thấy vì hồ sơ bệnh án ở bệnh viện không phải là địa chỉ thật. Đến nay, tôi vẫn trăn trở và hối hận về câu chuyện ấy suốt từ năm 1999 đến nay. Tôi thấy vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, và nếu người lớn không thay đổi thì trẻ con sẽ trở thành nạn nhân càng ngày càng tệ hại hơn.

Xem thêm tin mới về  Trường THCS Thăng Long- Ba Đình- Hà Nội: Tưng bừng Lễ hội văn hoá dân gian- chào xuân 2017

Theo bà, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cần phải có những hình phạt như thế nào để có thể răn đe cảnh tỉnh toàn xã hội hiệu quả hơn?

Những kẻ thủ phạm cần phải có những hình thức xử lý rất nghiêm minh để răn đe. Tôi không tán thành tử hình. Nhưng theo tôi, với những kẻ lạm dụng trẻ em ở tuổi còn rất nhỏ, trong quá trình xâm hại còn đánh đập, thậm chí giết nạn nhân thì phải là những tình tiết tăng nặng. Nếu thủ phạm còn là người thân, cha/mẹ em bé là những tình tiết tăng nặng trong khi xử lý để làm gương cho những người khác. Ngoài ra, những dịch vụ như tư vấn hỗ trợ cho những thủ phạm ấy cũng rất cần thiết, vì những kẻ ác ấy không mãi mãi sống ở trong tù.

Tự bảo vệ mình trước những nguy cơ tiềm ẩn khi truy cập thế giới ảo

Em Lê Hoàng Long, học sinh lớp 13 Trường Quốc tế Anh Việt – Hà Nội (BVIS) chia sẻ: Mọi người nói chung và các bạn học sinh nói riêng đã và đang rất cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ tiềm ẩn bị lạm dụng khi truy cập Internet. Bản thân Long từng là nạn nhân qua mạng. Em đã phải trải qua những thời gian khó khăn khi liên tục bị nói xấu, chế diễu trên Internet. Long bị căng thẳng, tâm sinh lý mất ổn định, hay cáu gắt. Được bạn bè và gia đình ủng hộ Long đã vượt qua nỗi sợ đó và đã thành lập ra dự án phi lợi nhuận “Lost connection” với mong muốn lan toả thông tin và giữ an toàn cho những người truy cập Internet. Dự án Lost Connection của Long đã  đạt được giải thưởng Creative Award trong cuộc thi Vietnam Young Leader 2017 (Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam). Toàn bộ số tiền có được từ giải thưởng đã được Long đầu tư cho dự án. Hiện, em cũng đang có kế hoạch thực hiện thêm nhiều các buổi chia sẻ tại các thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng và Ba Vì.

Hồng Nga/GĐTE

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/